Đáng sợ nhất không phải cái chết mà là cái chết bất ngờ, khi người ra đi và người ở lại không được chuẩn bị để kịp nói với nhau lời chào tạm biệt.
Rất nhiều năm nay mình có một giấc mơ trở đi trở lại, cùng một kịch bản. Trong mơ, mẹ mình sống lại nhưng chỉ được một ngày, hỏi mình muốn đi đâu làm gì, mẹ mình sẽ làm hết cho mình trong ngày hôm ấy. Trong mơ mẹ mình đưa mình đi mua giày, mua quần áo sách vở, đi chợ mua thức ăn về nấu cơm, đi công viên, ăn cái này cái khác. Rồi mẹ mình đột ngột biến mất khi cái đồng hồ đếm ngược nhảy về số 0, chẳng kịp nói một lời nào, mình hoảng loạn tìm rồi ú ớ tỉnh dậy trong nước mắt. Một thời gian sau giấc mơ y như vậy lại tiếp tục trở lại rồi trở lại.
Đọc cuốn này rồi mình mới nhận ra điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời mình chính là mình đã chưa kịp nói một lời chào mẹ. Đây là một trong bốn cuốn sách của Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, cùng với “Bức xúc không làm ta vô can”, “Thiện, Ác và Smartphone” và gần đây nhất là “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”. Mình thích cuốn này nhất, dù đây là cuốn khiến mình mất nhiều thời gian nhất để lên dây cót cho việc đọc. Mất 2 năm để mình lấy đủ can đảm đọc nó. Việc từng trực tiếp chứng kiến sự ra đi của những người thân nhất khiến từ trước đến giờ mình luôn có một sự sợ hãi, từ chối đối diện với mọi điều liên quan đến cái chết như một cách bảo vệ cái tinh thần dễ sụp đổ của mình.
Nhưng cuốn này nói về cái chết theo một cách tích cực: cái chết sắp đến khiến người ta nhận ra mình đã đi qua cuộc đời này như thế nào, nên thu xếp phần còn lại ra sao, đâu là danh sách ưu tiên, đâu là những điều cần nói. Chọn đồng hành cùng những người cận tử ở cự ly riêng tư nhất, nơi danh tiếng, sắc đẹp, sự giàu có, thành công... không còn nghĩa lý gì, tác giả đã *dấn thân vào một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu và hy vọng, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất*, để trả lời cho câu hỏi: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết. Những nhân vật trong này, dù là người từng yếu đuối đến đâu, xuyên suốt hành trình đối diện với cái chết, cuối cùng họ lại trở thành chỗ dựa tinh thần cho người khoẻ mạnh; và dù từng xa cách vụng về trong việc bày tỏ tình cảm với người thân đến thế nào, những ngày cuối cùng đã luôn chọn nói những lời cuối cùng với bố mẹ, với chồng mình là cảm ơn, xin lỗi và tạm biệt.
2 năm trước mình đọc một phần của cuốn sách này với nhan đề “Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ” trên báo Tuổi Trẻ lúc sách còn chưa xuất bản và đã khóc đến ngập bàn phím. Lúc đấy vẫn tưởng là mình sẽ chẳng đủ mạnh để đọc nổi cuốn này đâu, nhưng thực tế là giờ đã đọc đến lần thứ 2 rồi. Cái gì được chuẩn bị trước sẽ không còn quá đáng sợ. Và nữa là: hãy đối tốt khi còn ở bên nhau (hồi trước xem “Gia đình đá quý” xong chỉ nhớ mỗi câu này thôi).
Link một phần cuốn sách đăng trên báo Tuổi Trẻ hồi trước cho bạn nào muốn đọc nhé: https://tuoitre.vn/hanh-trinh-can-tu-me-oi-con-tam-biet-me-20171014215203901.htm